Con người cô độc

Con người cô độc
Chúng ta muốn tìm hiểu về con người cô độc, điều đầu tiên phải hiểu rõ về chính mình. Hiểu biết về bản thân không là một lý thuyết, một cái nhìn khuôn mẫu, càng không phải là sự công nhận của người khác, của uy quyền tôn giáo hay chính trị. Hiểu biết về bản thân cũng không phải là một quá trình tích luỹ, vì thế giới xung quanh chúng ta luôn thay đổi, và bản thân ta cũng luôn thay đổi không ngừng. Hiểu biết về bản thân đó chính là sự thấy rõ bản thân mình trong toàn bộ liên hệ với cuộc sống, từ bên ngoài lẫn bên trong qua từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Con người cô độc

Chúng ta phải hiểu rõ cái chúng ta đang "là", chứ không phải là cái chúng ta nên là. Một tín độ Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, Phật giáo hay một tín độ cuồng chủ nghĩa cộng sản, hồi giáo thường nhìn bản thân với lý tưởng được vẽ sẵn. Đó không phải là sự hiểu biết về bản thân khi soi mình với các chuẩn mực trong các hệ thống bị quy định. Chúng ta phải hiểu cái chúng ta đang là.

Chúng ta thường hỏi mình: tôi là ai? Nhưng tôi nghĩ đó không là câu hỏi cần thiết, câu hỏi quan trọng hơn chúng ta nên hỏi: tôi đang là ai? Chắc chắn cái chúng ta đang là chính là sản phẩm của quá khứ. Chúng ta đang hành xử theo khuôn mẫu của những điều mà chúng ta nhận được từ ngày hôm qua. Từ niềm tin tôn giáo, từ nền văn hoá, từ giáo dục, từ hệ thống chính trị, từ những đau khổ và vui buồn trong quá khứ. Nếu chúng ta không hiểu rõ được quá khứ của mình, thì chúng ta không thể nói là chúng ta biết mình.

Biết về quá khứ của mình thôi chưa đủ, chúng ta còn phải có một sự thông hiểu sâu thẳm hơn nữa. Đó là hiểu biết về bản ngã của mình. Cái tôi là gì nếu không phải là những ham muốn, những dục vọng, những khát khao. Tôi nghĩ chúng ta tuân phục một uy quyền nào đó, sống theo một khuôn mẫu nào đó đều xuất phát từ cái tôi của mình. Tại sao tôi là một tín hữu Kito mà không phải là một tín đồ Phật giáo? Người ủng hộ cảnh tá chứ không phải cảnh hữu? Tại sao tôi lại sợ hãi chính quyền độc tài mà lại không chống đối lại nó? Những điều như trên chắc chắn đều phát xuất từ cái tôi của chúng ta, nhiều người không nhận ra bởi vì nó quá tinh ranh khi ẩn nấp dưới những từ ngữ như: tình yêu đồng loại, thượng đế, chân lý hay tinh thần quốc gia.

Tôi nghĩ hiểu rõ về chính mình là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta thật sự muốn thay đổi xã hội, thay đổi mọi thứ xung quanh. Không có sự hiểu biết này, không có sự nhận ra con người đang là này, mọi sự thay đổi bên ngoài đều hời hợt, đều không có giá trị.

Hiểu rõ về chính mình bạn sẽ hiểu rõ về các xung đột của mình. Tại sao chúng ta sợ hãi? Tại sao tôi tham lam? Tại sao tôi hay nóng giận? Tại sao? Tại sao? Chắc chắn để trả lời được câu hỏi tại sao, bạn phải có sự hiểu rõ về chính mình, và hiểu rõ mối liên hệ của mình với thế giới bên ngoài lẫn bên trong. Hiểu rõ không có nghĩa là phê phán, chỉ trích, ủng hộ, hay bất kỳ một phán xét nào. Bạn phải hiểu rõ bạn tham lam mà không chạy trốn nó, lên án nó. Bạn hiểu rõ bạn bạo lực mà không kiếm soát nó trong một hệ thống nào khác. Bạn đừng hiểu nhầm khi tôi nói không kiểm soát, không phê phán, không chỉ trích đồng nghĩa với với chiều theo nó.

Bạn chỉ cần nhìn thấy tại sao bạn tham lam? Tại sao bạn bạo lực? Và cái giây phút bạn chiêm ngưỡng con người bạo lực, con người tham lam, hay bất kỳ con người nào khác đang là đó mà không phán xét nó trong bất kỳ hệ thống niềm tin tôn giáo nào, xã hội nào bạn sẽ nhận ra biết phải làm gì. Tôi nghĩ điều này không phải dễ dàng, vì hầu hết chúng ta đều là những người luôn luôn bám víu vào cái gì đó. Khi thấy mình đầy dục vọng chúng ta tìm cách diệt dục vọng, khi thấy mình bạo lực chúng ta học cách không bạo lực. Nhưng thử hỏi, chúng ta đã diệt dục được không? Diệt đi bạo lực, diệt đi tham lam khi nương nhờ vào những hệ thống bên ngoài được không?

Thực ra những gì chúng ta đang cố làm chỉ là tự lừa dối mình, chúng ta ẩn nấp sau những lý tưởng của các tôn giáo, hay hệ thống xã hội nào đó. Và điều đó đồng nghĩa với việc khoác cho những bạo lực, những dục vọng, những tham lam những bộ cánh mới mà thôi. Hãy nhìn mà xem, những người hồi giáo, những người thiên chúa giáo, balamon, phật giáo đều nói về tình yêu huynh đệ, tình đồng loại nhưng chiến tranh tôn giáo vẫn luôn là những vết thương dày xéo lên lịch sử của nhân loại. Hay như người cộng sản, họ nói về thế giới đại đồng nhưng chính họ lại giết người khác nhiều nhất.

Rõ ràng là nương nhờ vào các hệ thống bị quy định không là giải pháp để giải quyết các xung đột của từng cá thể và thế giới này. Điều cần làm là hiểu rõ chính mình không theo một phản chiếu nào của những gì được áp đặt, nhìn một cách tổng thể cái đang là của mình. Một con người hiểu rõ về bản thân mình khoảnh khắc này qua khoảnh khác khác mà không bị quá khứ, tôn giáo, chính trị chi phối và bóp méo đó không là một kẻ cô độc sao.

Một kẻ cô độc, không phải là cô đơn. Người cô đơn là cuộc sống không còn thấy mối liên hệ nào với mọi thứ xung quanh. Cuộc sống của chúng ta là liên hệ, khi không còn liên hệ không còn cuộc sống, tức là cô đơn. Còn người cô độc tôi nói tới là người sống trong trọn vẹn mối liên hệ, liện hệ với tha nhân, với thiên nhiên, với chính mình nhưng không phải là sản phẩm của tôn giáo, của chính trị, của bất kỳ hệ thống tư tưởng nào. Con người như vậy thì không còn xung đột. Không xung đột với bất kỳ tư tưởng nào, quốc gia nào, tôn giáo nào nhưng lại thấy mình liên hệ với toàn bộ thế giới.

Và khi bạn hiểu về chính mình, sống giây phút hiện tại mà không nỗ lực để là ai, để giống phật, giống chúa hay giống bất kỳ thần tượng nào, nhưng hoà mình vào toàn sự kiện đang xảy ra, bạn sẽ biết mình sẽ làm gì. Đó chính là tình yêu.


Con người cô độc


Cô độc là tình yêu!

Chúng ta luôn nói về tình yêu. Chắc chắn tình yêu là điều cần thiết nhất để xây dựng hoà bình trên thế giới này. Tình yêu thật sự chứ không phải tình yêu bắt chước. Người thiên chúa nói về tình yêu nhưng là tinh yêu của thượng đế, và cố bắt chước để yêu như ngài. Tín đồ phật nói về lòng từ bi, và sống từ bi theo phật. Người cộng sản cũng nói về tình nhân loại đại đồng, và sống tình đó theo lý tưởng cộng sản. Vân, vân. Nhưng nhìn lại thế giới mà xem, chiến tranh luôn xảy ra, và người ta sẵn sàng giết nhau cũng vì tình yêu đó. Tình yêu một khi ràng buộc vào một hệ thống niềm tin, dù tôn giáo hay xã hội đều không còn là tình yêu thật sự. Những người hồi giáo, đặc biệt các phần tử cực đoan hồi giáo họ nói về tình yêu của Alla nhiều hơn bất cứ ai, nhưng họ hiện tại lại là nỗi khiếp sợ của những người không là hồi giáo.

Rõ ràng, tình yêu trong các tôn giáo, trong các hệ thống xã hội không thể đem lại hoà bình, nó chỉ tạo thêm xung đột và chiến tranh. Chỉ khi nào toàn thể nhân loại này đều là người thiên chúa giáo, hay là người phật giáo, người hồi giáo, người cộng sản thì mới hy vọng sẽ không còn chiến tranh thế giới, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh giữa các quốc gia. Nhưng điều đó là không thể, chúng ta chắc chắn với nhau điều đó. Không thể có một thế giới mà không có sự khác biệt về tư tưởng, về niềm tin tôn giáo. Vì thế, tình yêu mà bấy lâu nay chúng ta được nghe biết, nói về không thể mang lại hoà bình cho nhân loại, và cho từng cá thể. Chỉ khi nào chúng ta yêu nhưng không với tư cách một người thiên chúa giáo, một hồi giáo, một phật giáo, một cộng sản, hay một tư bản thì mới đạt tới tình yêu thật sự. Và một người có tình yêu như thế không phải là một người cô độc sao.

Tâm trí chúng ta tạo ra ý tưởng, ý tưởng thôi thúc ta hành động. Vậy điều gì tạo ra các ý tưởng? Chắc chắn nó là tư tưởng. Tư tưởng có được thông qua ký ức và các tâm trạng buồn vui sầu khổ. Ký ức là những gì chúng ta tiếp nhận từ ngày hôm qua thông qua giáo dục, kinh nghiệm cuộc sống, sách vở chúng ta đọc. Ký ức tạo ra tư tưởng và cả tâm trạng hiện tại khi có một sự kiện xảy ra. Hay nói chính xác, các hành động của chúng ta đều được dẫn dắt bởi quá khứ, và từ một khuôn mẫu nào đó chúng ta tin tưởng. Vì hành động theo một khuôn mẫu cố định nên chúng ta có các xung đột.

Đúng chứ? Vì thế, chỉ khi nào tâm trí chúng ta thoát khỏi các hệ thống bị quy định, không phán xét dựa trên những điều đã biết, nhưng luôn liên hệ sống hiện tại trong sự mới lạ, thì khi đó sẽ có tự do, có tình yêu. Một tâm trí như vậy ắt hẳn phải là kẻ cô độc, và một tâm trí tự do khỏi những hệ thống bị quy định từ trước chắc chắn sẽ có hành động của tình yêu.


Con người cô độc


Hiện tại luôn mới lạ. Bạn nhận ra được điều này chứ. Hiện tại mới lạ và không cố định, nhưng chúng ta lại dùng tình yêu của cố định, tình yêu của quá khứ để đối xử với hiện tại, vậy thì chắc chắn nó tạo ra xung đột. Xung đột ngay giây phút bạn bóp méo hiện tại theo một khuôn mẫu cố định, theo lý tưởng và hiểu biết của quá khứ. Chúng ta đã không nhìn ra được sự thật trong hiện tại, nên chúng ta không thể biết yêu thật sự. Hiện tại đã bị biến dạng bởi tâm trí của chúng ta, khi nó phán chiếu những khuôn mẫu, những kỷ niệm, những quá khứ lên hiện tại. Và vì không nhận ra được sự thật để sự thật giải thoát chúng ta, nên chúng ta không có tình yêu thật sự.

Tâm trí phải cô độc, phải thoát khỏi các hệ thống từ tôn giáo đến xã hội, từ kỷ niệm vui buồn đến trải nghiệm hạnh phúc khi nhìn giây phút hiện tại, những sự kiện đang xảy ra đúng như nó là, khi đó chúng ta sẽ biết thế nào là yêu. Yêu trong sự thật, trong từng khoảnh khắc của hiện tại với sự mới lạ của nó.
Joseptuat
Tags: Tâm sự - tản văn

Đang xem: Con người cô độc

Bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên